Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Phân tích kỹ thuật cổ phiếu CVT: Mẫu hình Cốc và tay cầm!

Cốc và tay cầm là mẫu hình tiếp diễn xu thế tăng giá mà William J.Oneil đã đề cập trong cuốn sách “Làm giàu qua chứng khoán”. Chúng tôi nhận thấy CVT đã hoàn thiện mẫu hình này vào tuần giao dịch trước.

Mã cổ phiếu: CVT


Bất kỳ mẫu hình tiếp diễn xu thế tăng giá nào cũng đều phải đáp ứng 2 tiêu chí đặc trưng: Giá đang trong xu thế tăng trung hạn Thời gian hoàn thành mẫu hình phải đủ dài . CVT đáp ứng cả 2 điều kiện này khi tăng giá từ 8.0 – đầu năm 2014 - lên vùng giá hiện tại 18 và mất 5 tháng để hình thành mẫu hình Cốc và tay cầm.
Để NĐT tiện theo dõi, chúng tôi chú thích trên đồ thị của CVT, trong đó mẫu hình Cốc và tay cầm của CVT bắt đầu hình thành từ tháng 3/2014 và kết thúc vào phiên 08/08 vừa rồi, với các phần: Cốc (từ tháng 3 đến hết tháng 6, tương ứng đường vòng cung lớn trên đồ thị với 2 khu vực A và B); phần Tay cầm mất 1 tháng hình thành tương ứng đường vòng cung nhỏ với 2 khu vực C và D. Cụ thể:
Cốc: Phần Cốc của CVT bắt đầu hình thành (từ điểm A) trùng với nhịp điều chỉnh trung hạn của toàn thị trường (VNIndex từ 608 về 508), CVT điều chỉnh từ mức cao nhất 16.8 về ngưỡng thấp nhất 13 (tương ứng giảm 22% - nằm trong giới hạn cho phép của Oneil). Chúng tôi theo dõi sát sao CVT khi nhịp chỉnh của CVT đi kèm với khối lượng giảm dần và bắt đầu xuất hiện tín hiệu cạn cung khi về vùng 13-14 (khu vực B). Khoảng thời gian 2 tháng 5-6 ngẫu nhiên trùng với sự kiện biển Đông nhưng giá CVT không giảm mạnh theo thị trường, khối lượng giao dịch cạn kiệt và biến động giá trong biên độ rất hẹp diễn ra liên tục trong 2 tháng chứng tỏ: Những cổ đông yếu đuối đã thoát ra trong khu vực đáy cốc, lượng hàng trôi nổi còn sót lại trên thị trường đã được thu gom trước khi cổ phiếu hình thành phần còn lại của mẫu hình:
Tay cầm: Khi CVT bứt phá đỉnh cũ 16.8 vào ngày 10/07, hai bên cung-cầu thường rơi vào trạng thái phân vân về độ bền vững của vùng giá mới. Đây là nguyên nhân hình thành nhịp điều chỉnh về vùng đỉnh cũ 16.8 – tương ứng với phần Tay cầm của mẫu hình. Theo dõi chặt khu vực Tay cầm để thấy rõ xu thế giảm của khối lượng diễn ra cùng nhịp với diễn biến giá, những phiên giảm điểm mạnh luôn đi kèm khối lượng rút dần hàm ý lực bán yếu, không có hiện tượng tháo chạy bằng mọi giá như khi phân phối. Giá về vùng đỉnh cũ 16.8 thì bắt đầu dừng rơi và tích lũy khoảng 2 tuần trước khi bứt phá tiếp qua đỉnh 18.3 vào phiên 08/08 với khối lượng gấp 2.5 lần trung bình các phiên trước đó, qua đó chính thức hoàn thiện phần quan trọng nhất của mẫu hình.
Mục tiêu mẫu hình: Người phát kiến ra mẫu hình -William J’ Oneil – chưa từng đề cập về việc xác định mục tiêu của mẫu hình Cốc và tay cầm. Ông chỉ khẳng định rằng, đây là mẫu hình tiếp diễn xu thế tăng giá trong trung hạn hiệu quả khi nó từng báo hiệu những đợt tăng trưởng vài trăm phần trăm của các cổ phiếu ở thị trường Mỹ. Do vậy, chúng tôi không đưa mục tiêu cho CVT dưới góc nhìn Phân tích kỹ thuật, chúng tôi sẽ cảnh báo những tín hiệu phân phối trung hạn của CVT khi những tín hiệu đó xuất hiện.

Khuyến nghị đầu tư: Chúng tôi khuyến nghị Mua vào CVT ở vùng giá hiện tại 18.5 cho phần danh mục đầu tư trung hạn, nắm giữ cho đến khi đạt lợi nhuận kỳ vọng hoặc đồ thị giá CVT xuất hiện những tín hiệu phân phối trung hạn. 

Trân trọng!
Đoàn Xuân Thạo
Phone: 0904 222 604
Skype: thaobroker

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét